Chuyển phôi là một kỹ thuật được sử dụng trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), trong đó phôi được đưa vào tử cung của người phụ nữ. Phôi này đã được nuôi lên đến ngày ngày 3 hoặc ngày 5 và có thể là phôi tươi hoặc phôi đông lạnh được tạo ra trong một chu kỳ trước.
Chuyển phôi thực hiện vào trong khoảng ngày 18 đến ngày 20 của chu kỳ kinh khi niêm mạc tử cung người mẹ có độ dày đạt chuẩn (thường 9 – 10mm) và sức khỏe người mẹ sẵn sàng cho việc mang thai.
Kỹ thuật chuyển phôi được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1984. Cho đến nay nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mà dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình chuyển phôi được nghiên cứu phát triển giảm tối đa đau đớn và tác động lên tử cung người phụ nữ.
Sử dụng Estrogen
Estrogen được bắt đầu sử dụng vào ngày 2 chu kỳ kinh, trước khi chuyển phôi từ 2 đến 3 tuần.
Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống, nhiều trường hợp có thể chỉ định tiêm, đặt âm đạo hoặc dán qua da
Tác dụng của Estrogen nhằm kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, ức chế sự rụng trứng tự nhiên.
Sau 6-7 ngày sử dụng bạn sẽ được hẹn siêu âm kiểm tra
Thời gian này các mẹ cần theo dõi sự phát triển niêm mạc tử cung mỗi 3-5 ngày.
Sử dụng progesterone
Khi nội mạc tử cung đạt độ dày thích hợp, bạn bắt đầu sử dụng Progesterone nhằm tạo nội tiết thích hợp cho sự làm tổ của phôi.
Progesterone được khuyên dùng đặt âm đạo vì sẽ có tác dụng trực tiếp đến tử cung. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng đường uống, tiêm hoặc đặt âm đạo
Sử dụng Progesterone trước chuyển phôi 2-5 ngày tùy giai đoạn của phôi trữ.
Chuẩn bị phôi
Sau thời gian sử dụng Estrogen và Progesterone, người phụ nữ được kiểm tra xác định niêm mạc tử cung, tình trạng sức khỏe đã đủ điều kiện để chuyển phôi hay mang thai chưa. Trong trường hợp, người phụ nữ có thể chuyển phôi trong chu kỳ này, bác sĩ sẽ tư vấn xác định ngày chuyển phôi, chất lượng phôi, số lượng phôi chuyển đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất và hạn chế tối đa nguy cơ đa thai.
Đối với các mẹ chuyển phôi tươi: tinh trùng và trứng kết hợp thụ tinh thành công tạo thành phôi, được nuôi lên đến ngày 3 hoặc ngày 5 tùy thuộc vào chất lượng phôi. Phôi này được đem đi chuẩn bị cho chuyển phôi
Đối với các mẹ chuyển phôi trữ: Phôi được bác sĩ và mẹ thống nhất chuyển trước đó được chuyên viên phôi làm việc trong phòng thí nghiệm thực hiện kỹ thuật rã đông phôi.
Bạn phải nhịn tiểu, nằm trên bàn chuyển phôi ở tư thế sản khoa. Điều dưỡng viên mang găng tay vô khuẩn sau đó vệ sinh tử cung người phụ nữ bằng cách đặt mỏ vịt, lau cổ tử cung bằng tăm bông và môi trường nuôi cấy IVF
Bác sĩ phụ siêu âm đường bụng giúp bác sĩ chuyển phôi quan sát được niêm mạc buồng tử cung, cổ tử cung, tư thê tử cung, góc cổ tử cung, tử cung. Dựa vào hình ảnh trên máy siêu âm, bác sĩ chuyển phôi đưa catheter ngoài có nòng kim loại vào buồng tử cung và xác định vị trí đặt phôi.
Khi Catheter ngoài đã vào tới buồng tử cung, bác s sĩ chuyển phôi sẽ cố định catheter ngoài và rút nòng kim loại ra để chuẩn bị đưa catheter trong có chứa phôi vào buồng tử cung.
Cùng thời điểm đó ở phòng nuôi cấy phôi, chuyên viên nuôi cấy phôi đưa phôi vào catheter trong: tráng syringe 1 ml bằng môi trường IVF sau đó hút 0,7 ml môi trường IVF, lắp catheter vào syringe rồi bơm hết môi trường ra để tráng catheter. Hút phôi vào catheter theo thứ tự lần lượt là môi trường IVF - cột không khí - môi trường IVF chứa phôi 5 µl - không khí - môi trường IVF 2 µl ở ngoài cùng. Sau đó catheter chứa phôi được chuyển đến cho bác sĩ chuyển phôi.
Bác sĩ chuyển phôi đưa nhẹ nhàng catheter trong có chứa phôi qua catheter ngoài để vào buồng tử cung. Bơm từ từ phôi vào buồng tử cung cách đáy tử cung.
Catheter trong được rút ra sau đó và được bác sĩ nuôi cấy phôi kiểm tra độ sạch của catheter (có nhầy, có máu hoặc sót phôi). Cuối cùng, bác sĩ chuyển phôi rút catheter ngoài, tháo mỏ vịt và hoàn tất quy trình chuyển phôi.
Sau chuyển phôi bạn nằm nghỉ 1 -2 giờ để theo dõi, nếu mọi thứ ổn định bạn có thể về nhà.
Bạn được kê thuốc uống/ thuốc đặt sử dụng trong 14 ngày sau chuyển phôi. Lưu ý, bạn nên tuân thủ quy định dùng thuốc mà điều dưỡng viên hướng dẫn (đúng giờ, đúng liều, đúng đường dùng). Và không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khác khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn kể cả thuốc bổ, thuốc nam, thuốc bắc…
Bạn nên đi lại nhẹ nhàng, hạn chế đi cầu thang, vận động mạnh, tập thể dục thể thao. Tuy nhiên cũng không nên nằm bất động vì có thể sẽ làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Khi gặp các dấu hiệu bất thường như: ra máu âm đạo, đau bụng, sốt, táo bón, bí tiểu… hãy gặp bác sĩ để điều trị để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp, kịp thời.
Tinh trùng và trứng sau khi thụ tinh tạo thành phôi thai được nuôi cấy trong tủ nuôi cấy phôi. Sau 3 ngày, phôi thai phát triển phân tách lên khoảng 8 – 10 phôi bào và có thể chuyển vào tử cung người mẹ.
Theo thống kê, tỷ lệ thành công khi chuyển phôi ngày 5 cao hơn gấp 1,35 lần so với chuyển phôi ngày 3. Điều này bởi lẽ phôi ngày 5 có thêm thời gian được theo dõi sự phát triển, hình thành, sàng lọc phôi nên việc chuyển phôi ngày 5 cho phép:
Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi sự phát triển của phôi thai, chuyên viên theo dõi nuôi phôi và bác sĩ điều trị sẽ làm việc trực tiếp với nhau để từ đó tư vấn cho bạn biết rằng phôi có đủ điều kiện hay có nên nuôi lên ngày 5 không. Những phôi nuôi lên ngày 5 là phôi có sức sống tốt, phát triển tốt.
Chuyển phôi tươi hay chuyển phôi trữ luôn là câu hỏi được nhiều các mẹ thắc mắc khi chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi. Hầu hết đều băn khoăn không biết liệu rằng tỷ lệ thành công của hai loại phôi này loại nào cao hơn. Hay sau khi trải qua thời gian tiêm kích trứng, chọc hút noãn, người phụ nữ có cần nghỉ ngơi để cơ thể khỏe mạnh rồi mới chuyển phôi không?
Trên thực tế, nhiều công trình nghiên cứu y học đã chứng minh: tỷ lệ thành công giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ là như nhau hay khả năng làm tổ của phôi tươi và phôi trữ ngang nhau.
Một số mẹ cho rằng "phôi trữ hay phôi đông lạnh sau khi rã đông sẽ bị giảm chất lượng, không tốt khiến giảm tỷ lệ thành công" liệu có đúng không? Hiện nay, công nghệ đông phôi và rã đông mới đảm bảo chất lượng phôi không bị ảnh hưởng. Về mặt lý thuyết, một khi phôi đã được trữ đông, chúng có thể được lưu trữ vô thời hạn. Tháng 11.2017, một phụ nữ 26 tuổi người Mỹ đã gây chú ý vì đã sinh em bé từ một phôi thai được trữ lạnh từ 24 năm trước.
Vậy khi nào nên chuyển phôi tươi, khi nào nên chuyển phôi trữ?
Quyết định chuyển phôi trữ hay chuyển phôi tươi phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, sức khỏe, độ dày niêm mạc tử cung, chất lượng phôi của người phụ nữ thời điểm chuẩn bị chuyển phôi.
Nếu mọi yếu tố đều tốt, mẹ có thể chuyển phôi tươi luôn.
Trong trường hợp sức khỏe chưa tốt hay có công việc chưa sắp xếp được thời gian, bạn hoàn toàn có thể chuyển phôi đông lạnh vào chu kỳ sau hoặc đợi vài chu kỳ cũng được.
Tuy rằng việc chuyển phôi trữ (phôi đông lạnh) và chuyển phôi tươi có tỷ lệ thành côn tương đương nhau nhưng xu hướng chuyển phôi đông lạnh ngày càng được sử dụng nhiều hơn bởi những ưu điểm sau:
Chuyển phôi đông lạnh giúp bác sĩ có thể chọn thời điểm nội tiết tố người phụ nữ ổn định, thích hợp mới chuyển phôi nhằm tăng cơ hội thụ thai bởi sau khi kích thích buồng trứng, nội tiết tố trong cơ thể tăng cao hơn nhiều lần, không tốt cho phôi làm tổ. Do đó, chuyển phôi đông lạnh làm tăng hiệu quả thụ thai.
Cơ thể được bồi dưỡng đầy đủ và chuẩn bị tốt cho quá trình mang thai sắp tới thay vì sử dụng phôi tươi để thụ thai luôn.
Giảm tình trạng đa thai: Đa thai là tình trạng rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người mẹ và tất cả các thai nhi. Việc chuyển nhiều phôi thai một lần nhằm tăng khả năng thụ công nhưng cũng vô cùng khó đoán. Chính vì thế mà, sử dụng phôi đông lạnh giúp hạn chế tình trạng đa thai do không cần chuyển nhiều phôi một lúc.
Được chỉ định cho các trường hợp dịch buồng tử cung hoặc quá kích buồng trứng không thể chuyển phôi tươi.
Sau chuyển phôi bao lâu thì phôi làm tổ?
Chắc hẳn mẹ nào cũng quan tâm sau chuyển phôi bao lâu thì có tim thai hay sau bao lâu thì phôi bắt đầu làm tổ ở niêm mạc tử cung. Với nhiều trường hợp, những dấu hiệu chuyển phôi thành công sẽ có biểu hiện rất rõ trên cơ thể người mẹ. Thường sau chuyển phôi ngày thứ 1, 2, 3, 4… người mẹ xuất hiện dấu hiệu đau đầu ti, buồn tiểu, tiểu nhiều lần… Thời điểm quan trọng nhất sau chuyển phôi là ngày thứ 5 – đây là lúc phôi tìm chỗ làm tổ. Các mẹ cần lưu ý di chuyển vận động nhẹ nhàng tránh ảnh hưởng đến co bóp tử cung, cộng thêm việc bổ sung dinh dưỡng cần thiết từ chế độ ăn. Một số dấu hiệu chuyển phôi thành công thường gặp biểu hiện rõ nhất như:
Căng tức ngực, khó thở, đau đầu.
Có cảm giác đau, nặng ở vùng bụng dưới.
Đau lưng, đau hai bên hông.
Ra máu báo thai.
Nhiều trường hợp các mẹ không có dấu hiệu chuyển phôi thành công rõ ràng nhưng thử que vẫn lên 2 vạch hoặc thậm trí thử que cũng chưa lên. Điều quan trọng nhất bạn nên thoải mái tinh thần, không nên quá lo lắng, yếu tố tinh thần góp phần lớn tạo nên thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm IVF.